Đánh giá bài viết

Trạm trung chuyển rác là nơi tập kết rác thải trước khi vận chuyển đến nơi xử lý. Hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều trạm trung chuyển rác nằm trong khu dân cư và chưa có các biện pháp xử lý mùi gây mất mỹ quan và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cư dân gần khu vực đó. Chính vì vậy, cần có các giải pháp xử lý để giảm thiểu tác hại đến môi trường và sức khỏe người dân. Dưới đây hãy cùng Môi trường Hợp Nhất tham khảo một số cách xử lý mùi hôi trạm chuyển rác.

Xử Lý Mùi Hôi Trạm Chuyển Rác

1. Một số cách xử lý mùi hôi trạm chuyển rác

Tùy vào quy mô của trạm trung chuyển rác và mức độ ô nhiễm mà các trạm trung chuyển rác có thể tham khảo một số biện pháp kiểm soát, quản lý mùi hôi như sau:

1.1. Phun xịt khử mùi bằng chế phẩm sinh học

Các chế phẩm vi sinh có vai trò tăng tốc độ oxy hóa các hợp chất hữu cơ, giảm nồng độ ô nhiễm COD, BOD, SS,… trong nước rỉ rác tiêu diệt các vi sinh gây ra mùi hôi, giúp giảm mùi hôi. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của mùi hôi ở mỗi trạm trung chuyển rác, có thể phun sương các chế phẩm sinh học với tỉ lệ phù hợp lên bề mặt rác thải, trước và sau khi hoàn thiện việc tiếp nhận rác.

Hiện nay phương pháp này được ứng dụng phổ biến do tính chất đơn giản và có thể ứng dụng kể cả đối với các bãi tập kết rác ngoài trời – nơi chưa trang bị hệ thống điện để có thể vận hành bằng các biện pháp khác.

1.2. Lắp đặt tháp hấp thụ mùi

Không chỉ các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất phát sinh khói bụi, khí thải mới lắp đặt tháp xử lý mùi hôi, các trạm trung chuyển rác cũng cần lắp đặt tháp hấp thụ để kiểm soát mùi hôi, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tháp hấp thụ là tháp khử mùi hôi với vật liệu khử mùi là than hoạt tính (hoặc các vật liệu khác như: zeolite, silica gel, alumogel hoặc chất lỏng như dung dịch bazơ), nhờ lực hút của quạt hút khí đưa dòng khí thải vào hệ thống khi tiếp xúc với lớp than hoạt tính, các chất ô nhiễm, mùi hôi sẽ được giữ lại.

Than hoạt tính là chất rắn xốp, nhờ cấu trúc nhiều lỗ rỗng nhỏ nên than hoạt tính có diện tích bề mặt lớn, có khả năng hấp phụ và phản ứng với các chất ô nhiễm. Sau một khoảng thời gian hoạt động, lớp than hoạt tính sẽ bão hòa và cần được thay thế bằng lớp than mới để đảm bảo hiệu quả xử lý.

Không chỉ dùng để khử mùi, tháp hấp thụ than hoạt tính còn có khả năng khử các chất độc hại trong dòng khí thải.

1.3. Trang bị máy ozone công nghiệp khử mùi

Máy ozone là thiết bị được sử dụng để loại bỏ mùi hôi trong không khí thông qua quá trình sản xuất và phân tán ozone vào không khí. Ozone là loại khí có tính oxi hóa cao, khi phát tán vào không khí sẽ giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus gây mùi hôi làm sạch không khí tại khu vực phát sinh mùi.

Máy ozone xử lý khí thải công nghiệp
Máy ozone xử lý khí thải công nghiệp (ảnh minh họa)

Ngoài các giải pháp trên, các trạm trung chuyển rác còn có thể tăng cường việc giảm thiểu mùi hôi bằng cách thường xuyên vệ sinh trạm trung chuyển, phân loại trang bị xe ép rác chuyên dụng đạt chuẩn, tăng cường công tác phân loại rác thải tại nguồn, lắp đặt hệ thống màn gió tại các cửa ra vào của khu vực ép, v.v….

2. Một số quy định về trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Theo Điều 76, Luật bảo vệ môi trường 2020, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định như sau:

Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.

Khoản 2, Điều 26, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định về trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt như sau:

a) Thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Trạm trung chuyển cố định đầu tư mới tại các khu vực nội thành đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt phải sử dụng công nghệ tự động, hiện đại và phù hợp với điều kiện từng địa phương;

c) Khuyến khích sử dụng công nghệ trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình tại đô thị nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất nhưng phải có thiết kế bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ô nhiễm môi trường;

d) Bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương;

đ) Phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

e) Trạm trung chuyển tại các đô thị phải bố trí khu vực tiếp nhận chất thải có đủ diện tích cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải; bảo đảm khép kín để hạn chế tối đa phát tán ô nhiễm, mùi và xâm nhập của côn trùng;

g) Trang bị các hệ thống, thiết bị cân; vệ sinh và phun xịt khử mùi phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển; hệ thống camera giám sát; hệ thống, phần mềm để theo dõi, cập nhật khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển;

h) Ủy ban nhân dân các cấp xác định vị trí, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển.

Trên đây là một số thông tin về việc xử lý mùi hôi trạm chuyển rác.

Mặc dù đã có một số quy định về việc xây dựng trạm trung chuyển rác đạt chuẩn nhưng hiện nay đa số các trạm trung chuyển rác vẫn còn tạm bợ, thiếu các hệ thống lọc và khử mùi, thu gom và xử lý nước thải và các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khác.

Vì vậy, việc kiểm soát, quản lý và xử lý tốt mùi hôi trạm chuyển rác sẽ góp phần đáng kể và việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng và hy vọng trong thời gian tới việc này sẽ sớm được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.